Sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông hiện đại, rộng khắp, kết nối trực tiếp với hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới, với hệ thống gồm 3 tuyến cáp quang trên đất liền, 5 tuyến cáp quang biển và là đơn vị duy nhất sở hữu mạng thông tin vệ tinh tại Việt Nam, VNPT đáp ứng được những yêu cầu cao nhất về an toàn thông tin của quốc gia cũng như nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.
Mạng Viễn thông Quốc tế
VNPT đã xây dựng hạ tầng viễn thông quốc tế vững chắc, hiện đại, sử dụng nhiều phương thức truyền dẫn mới, an toàn, hiệu quả như cáp quang biển, cáp quang đất liền, vệ tinh, cho phép kết nối trực tiếp tới hơn 240 quốc gia và trung tâm kinh tế, tài chính khu vực trên toàn thế giới. Tổng dung lượng kết nối quốc tế hiện đại 3,8 Tbps.
Hiện tại VNPT đang khai thác nhiều tuyến cáp quang quốc tế, trong đó có 5 tuyến cáp quang biển.
– Hướng cáp đất liền CSC kết nối từ Lạng Sơn đi Trung Quốc kết nối với các nhà mạng China Telecom, China Unicom, CMI: Đây là tuyến cáp có độ ổn định cao nhất trong các hướng kết nối quốc tế nên được VNPT ưu tiên định tuyến cho các khách hàng có nhu cầu internet quốc tế cao. Dung lượng 260 Gbps, chiếm gần 13% lưu lượng hướng quốc tế.
– Tuyến cáp quang AAG: Đây là tuyến cáp quang biển tập trung chủ yếu lưu lượng của các ISP tại Việt Nam kết nối đi Hồng Kông, Singapore, Hòa Kỳ, cập bờ tại Vũng Tàu.
– Tuyến cáp quang SMW3: Tuyến cáp quang biển SMW-3 cập bờ tại Đà Nẵng, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM) có tổng dung lượng hệ thống 320 Gbps nối liền Việt Nam với 39 nước trên thế giới, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á tới Châu Âu.
– Tuyến cáp quang biển APG: là tuyến cáp quang biển mới cập bờ tại Đà Nẵng do VNPT trực tiếp tham gia đầu tư mới được đưa vào khai thác từ tháng 10/2016 được mở theo hai hướng cáp độc lập đi Hồng Kông, Singapore, Hoa Kỳ. Hiện tại tuyến này đã chính thức đi vào sử dụng, có dung lượng khai thác tối đa lên tới 54Tbps. Tháng 12/2016 VNPT đã đẩy mạnh mở rộng lưu lượng trên tuyến cáp mới này để san tải cho lưu lượng của khách hàng trên tuyến AAG. Tính đến hết năm 2016, tổng dung lượng khai thác trên tuyến APG đã được VNPT mở lên tới 300Gbps.
– Tuyến cáp quang biển AAE-1: Tuyến cáp quang AAE-1 cập bờ tại Vũng Tàu, kết nối Hồng Kông, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Oman, các tiểu vương quốc Ả Rập, Qatar, Yemen, Djibouti, Saudi Arabia, Ai Cập, Hy Lạp, Ý và Pháp. Dung lượng thiết kế là 40 Terabytes và công nghệ 100Gpbs/bước sóng, dung lượng của VNPT đang sử dụng là 298 Gbps.
VNPT hiện cũng có dung lượng truyền dẫn trên một số tuyến cáp quang biển quốc tế khác như Faster, Unity. Bên cạnh đó, VNPT còn sử dụng dung lượng trên các hệ thống cáp quang quốc tế khác không kết cuối tại Việt Nam như: China-US, FLAG, APCN2, SMW-4 và TPE nhằm đáp ứg dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu.
Để nâng cao chất lượng cho người dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, từ nay tới năm 2020 VNPT dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 tuyến cáp quang biển mới nữa.
Ngoài ra, để phục vụ mục tiêu tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ viễn thông ra nước ngoài, VNPT-I đã thiết lập các POP truyền dẫn tại các nước Hongkong, Hoa Kỳ, Campuchia, Lào và đang xây dựng thêm các POP tại một số nước khác như Singapore, Pháp…
Mạng đường trục Quốc gia
Sử dụng công nghệ hiện đại nhất, tương thích với các quốc gia trên thế giới và khu vực như: Công nghệ truyền dẫn quang OTN, DWDM; Công nghệ chuyển mạch quang tự động ASON/GMPLS giú đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Mạng đường trục quốc gia của VNPT bao gồm: Mạng cáp quang Bắc – Nam, dung lượng liên tỉnh lên tới 5.682 Gbps (5/2018); Hệ thống mạng vòng cáp quang khu vực phía Bắc, Đông Bắc và phía Nam là 8.117.974 Gbps, kết hợp với các mạng Metrolink có dung lượng khoản 2.201.274 Gbps tại 4 trung tâm (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ) cùng hệ thống tổng đài Toll, NGN tạo thành một hệ thống truyền dẫn liên tỉnh mạnh nhất Việt Nam.
Mạng băng rộng
Tổng dung lượng Internet quốc tế đạt trên 3,8 Tbps.
Mạng cáp quang tới tận nhà thuê bao FTTx (băng thông 6-100 Mbps) đã triển khai tại 63 tỉnh thành, phủ sóng tới 96% số xã trên cả nước.
Mạng Thông tin di động
Tới tháng 6/2019, VNPT đã xây dựng được hơn 85.000 trạm thu phát sóng 2G/3G/4G VinaPhone, phủ sóng 63/63 tỉnh thành trên cả nước.
Ngoài cung cấp các dịch vụ di động trong nước, VNPT đã roaming tới hơn 400 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động thuộc 160 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hệ thống vệ tinh Vinasat
VNPT là doanh nghiệp viễn thông duy nhất được Chính phủ tin tưởng giao trọng trách đầu tư và quản lý hệ thống vệ tinh viễn thông của Việt Nam.
Tháng 4/2008, VNPT đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của Việt Nam – Vinasat-1 lên quỹ đạo ở vị trí 132oE, cách trái đất 35.768 km, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của quốc gia nói chung và Ngành viễn thông, CNTT nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo.
Vinasat-1 đã chính thức đi vào cung cấp dịch vụ từ tháng 6/2008. Với 20 bộ phát đáp (8 bộ ở băng tần C và 12 bộ băng Ku), Vinasat-1 phủ sóng khắp cả nước và một số quốc gia lân cận (Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianma), cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng cho các doanh nghiệp, phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DTH, truyền hình hội nghị, kênh thuê riêng cho thông tin di động, truyền dữ liệu cho các ngân hàng, đường truyền cho nhà cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại vùng sâu vùng xa…. Cho tới nay, gần như toàn bộ dung lượng của Vinasat-1 đã được sử dụng hết.
Với những thành công thu được trong việc đầu tư và khai thác Vinasat 1, Chính phủ tiếp tục đặt niềm tin và trọng trách phóng vệ tinh thứ hai của Việt Nam Vinasat-2 cho VNPT. Vinasat -2 bao gồm 24 bộ phát đáp hoạt động ở băng tần Ku, phủ sóng toàn bộ khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Ngày 16/5/2012, Vinasat-2 đã được phóng thành công lên quỹ đạo tại vị trí 131,8oE. Cùng với Vinasat-1, Vinasat-2 giúp tăng khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro, tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.